Ở Anh và Mỹ, hy vọng đang lớn dần. Các chương trình tiêm chủng đang diễn biến thuận lợi và cuộc sống đang bắt đầu rộng mở. Nước Anh đã trải qua một trong những thời kì đóng cửa khắc nghiệt nhất của đại dịch Covid. Ngoại trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm, mọi cửa hàng khác đều phải đóng cửa kể từ ngày 26 tháng 12 năm ngoái, cho tới nay. Mọi người làm việc từ xa, không gặp mặt trực tiếp. Và gần đây mới được phép gặp gỡ nhau.
Các sắc lệnh phong toả cũng đã được nới lỏng, và thời tiết cũng đang tốt dần lên. Ngồi trong một quán cà phê, vừa lạnh, lại vừa có ánh nắng chiếu vào, nói chuyện với một người bạn là một điều gì đó rất thú vị – điều mà phần lớn chúng ta đã không làm kể từ trước Giáng sinh. Giờ đây, ta đã được phép tới nhà hàng và các quán cà phê lần đầu tiên, sau gần nửa năm.
Tuần vừa rồi, các cuộc gọi của tôi và đồng nghiệp có bàn về việc: “Gặp gỡ sẽ trở nên như thế nào sau khi đại dịch lắng xuống?”. Một đồng nghiệp của tôi nói: “Tôi rất muốn xem ai là người thực sự muốn gặp tôi khi mà ta có thể ra ngoài trở lại.” Ý cậu ấy là, “ai sẽ thực sự mang lại giá trị cho mình”.
Chúng ta đã thay đổi cách mà ta sắp xếp thời gian, và cả cách mà ta tương tác với nhau. Trước đây, chúng ta có rất nhiều cuộc gặp. Ta đi từ thành phố này tới thành phố khác, để tới một phòng họp để bàn luận. Ta đến văn phòng mỗi ngày để ngồi cùng với đồng nghiệp. Thế nhưng, sau một năm làm việc tại nhà, ta có thể không quen với chúng nữa, và ta thấy chúng thực sự không hiệu quả.
Tại sao ta lại phải mất 30 – 45 phút để di chuyển, để gặp mặt và nói chuyện trực tiếp, sau đó lại phải mất ngần ấy thời gian nữa để đi về nhà? Từng có những ngày làm việc, tôi có 2-3 cuộc họp. Tính cả thời gian di chuyển là tôi đã hết một ngày. Tại sao giờ tôi phải làm như thế nữa, trong khi tôi có thể bàn luận trực tuyến? Sau một năm cách ly xã hội, tôi mới nhận thấy mình ghét những phương tiện giao thông công cộng đông đúc như thế nào. Và cả việc dành £20-30 cho cà phê và snack mỗi ngày, chỉ để ngồi gặp gỡ đâu đó không phải nhà riêng hay ở văn phòng.
Giờ đây, sau khi kết thúc cuộc họp, tôi có thể xuống dưới nhà và chơi với con trai tôi tầm 20 phút trước khi cuộc họp tiếp theo bắt đầu. Tôi thích việc 3 cuộc họp giờ đây chỉ kéo dài 3 tiếng, thay vì cả ngày như trước. Những cuộc họp giờ đây cũng bắt đầu đúng giờ, thay vì bị trì hoãn bởi tắc đường, mất thời gian ở quầy tiếp tân hay thang máy chậm… Tôi thích bắt đầu cuộc họp với tách cà phê của riêng mình, thay vì dành ra 10 phút để đợi cà phê ở văn phòng.
Trong tương lai, tôi nghĩ rằng các cuộc gặp mặt sẽ được phân loại dựa trên chức năng. Dù không phải ai cũng ý thức điều này, song trong vô thức, đa phần chúng ta sẽ chia các cuộc gặp gỡ thành 2 loại. Các cuộc họp nhằm trao đổi thông tin, và các cuộc gặp gỡ xã giao.
1. Gặp mặt nhằm trao đổi thông tin
Đây là những cuộc họp mà bạn cần trao đổi thông tin và lập kế hoạch. Có rất ít nhu cầu kết nối bởi ta ở đây chỉ để nói chuyện, truyền đạt, giải thích và thảo luận. Các cuộc họp này sẽ diễn ra trực tiếp tại văn phòng, mặc dù một số có thể họp trực tuyến. Và việc họp mặt trực tuyến đã diễn ra rất hiệu quả trong năm vừa rồi. Tôi không thấy nhiều người đến văn phòng trực tiếp chỉ để thảo luận. Do đó, tôi cho rằng các cuộc hội thảo như thế này chủ yếu sẽ diễn ra trực tuyến và việc họp trực tiếp sẽ ngày càng giảm.
2. Gặp gỡ xã giao
Khác với các cuộc hội thảo, gặp gỡ xã giao là một nhu cầu thiết yếu của con người, nơi bạn tạo dựng mối quan hệ với bạn bè, người thân. Những cuộc gặp gỡ này giúp ta kết nối, gắn bó và duy trì mối quan hệ với nhau. Có thể là cuộc gặp giữa bạn với một cô gái mới quen, hay là giữa những người bạn thân thiết chẳng hạn. Những mối quan hệ như thế, ta sẽ thích được gặp gỡ trực tiếp hơn, có thể là sau hai ba lần đầu trò chuyện qua video call. Những cuộc gặp gỡ này thường đi kèm với việc ăn uống, như cách mà con người ta thường kết nối.
Gặp gỡ xã giao có thể được chia thành 2 nhánh:
- Họp nội bộ team
Những người làm việc thân thiết với nhau sẽ muốn gặp gỡ trực tiếp. Họ cần gắn kết, chia sẻ nhiều ý tưởng và trao đổi ý kiến với nhau. Những cuộc gặp gỡ này thường không nằm trong kế hoạch và trần đầy những điều tình cờ lý thú. Họ có thể tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến, nhưng vẫn sẽ muốn gặp gỡ thường xuyên để giữ lửa tinh thần cho cả đội, duy trì động lực và kích thích sáng tạo.
- Những người mà bạn yêu quý
Có những người đơn thuần là đồng nghiệp, nhưng cũng có những người ta cùng làm việc mà ta cảm thấy thoải mái và muốn kết bạn. Ta hẳn sẽ muốn dành thời gian để trò chuyện trực tiếp với họ. Nếu như cả hai đều có chung một sở thích nào đó và đều thích nói chuyện với nhau, ta cũng chẳng cần tính toán thiệt hơn phải tốn bao nhiêu thời gian di chuyển, phải không?
Những cuộc hội thảo chủ yếu sẽ diễn ra trực tuyến nếu chỉ cần trao đổi thông tin hoặc lên kế hoạch. Những cuộc gặp gỡ mà ta muốn duy trì các mối quan hệ, mặt khác, thì sẽ diễn ra trực tiếp, thường là trong các quán ăn hay nhà hàng. Các đội nhóm sẽ gặp mặt tại văn phòng, nhưng ngày càng sẽ có nhiều người họp từ xa thay vì phải di chuyển đến đó.
Nếu quan điểm của tôi là đúng, chắc hẳn cách mà mọi người nhìn nhận về việc gặp gỡ cũng sẽ thay đổi trong năm tới. Tôi đã ngạc nhiên khi có người từng yêu cầu gặp tôi chỉ để thảo luận về điều gì đó. Nếu mời đến ăn tối chỉ để bàn công việc, tôi cảm giác nó có vẻ hơi “lạc hậu”. Gặp gỡ là điều mà tôi “để dành” cho những người mà tôi thích, những người mà tôi thực sự muốn duy trì mối quan hệ. Còn nếu đơn thuần là muốn gửi thông tin hay đề xuất, yêu cầu, tôi sẽ gửi một lá thư thay vì gặp mặt trực tiếp.
Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên thoải mái hơn. Ta sẽ tốn ít thời gian và tiền bạc chạy loanh quanh thành phố để thảo luận, khi mà ta có thể làm việc đó online. Ta sẽ có nhiều thời gian hơn để thưởng thức bữa tối hay một tách cà phê, và bên cạnh những người mà ta thực sự muốn dành thời gian cho họ.
Chắc chắn rằng cũng sẽ có áp lực từ nhiều phía muốn việc gặp mặt trở lại như nó vốn là trước đây. Tuy nhiên, điều đó sẽ gặp phải không ít ý kiến trái chiều. Cộng thêm thời gian ta lãng phí khi di chuyển, đợi lễ tân, đợi cà phê, ngồi xuống, bắt tay… so với việc ta chỉ mất nửa tiếng cho tới một tiếng làm việc qua video call.
Đối với tôi, năm vừa qua là một năm năng suất và hiệu quả. Tôi làm được nhiều việc hơn, lãng phí ít thời gian hơn, và tôi có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Có lẽ điều duy nhất tôi bỏ lại là “số bước chân” mà tôi đã tích luỹ được khi di chuyển quanh thành phố, bởi giờ đây tôi chủ yếu ngồi trong phòng.
Đọc thêm: Điều gì luôn khiến tôi luôn thích dùng điện thoại iPhone?