Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2024

Tại sao bạn không thể dừng mong muốn thay mới điện thoại?

Năm 2023, chuyện dùng nhiều hơn hai chiếc điện thoại. Đặc biệt là điện thoại cao cấp. Chủ đề này nghe có vẻ tốn kém đấy chứ nhỉ. Thật ra, tôi nghĩ đây là một vấn đề khá phức tạp. Tưởng chừng nó chỉ là một nhu cầu đơn thuần của người dùng. Nhưng sự thật là nó kéo theo cả một hệ thống vận hành của cuộc sống. Do đó, tôi nghĩ mình sẽ cần nghiên cứu nghiêm túc nội dung này.

Thiên thời

Lịch sử smartphone đã dài đến hàng chục năm. Huy hoàng nhất là giai đoạn 2010 – 2015. Tại thời điểm đó, thế giới điện thoại có đến 4 thái cực lớn. Bao gồm Android, iOS, Windows Phone và BlackberryOS. Chưa kể, mỗi hãng đều có những đặc trưng và sự sáng tạo mạnh mẽ của riêng mình. Tuy nhiên, những điều kỳ diệu trên chỉ mang lại trên các thiết bị có giá rất đắt đỏ. Tôi đã từng mong ước mình có dư tài chính để khám phá toàn bộ chúng.

Ngay lúc này, nó không còn là món đồ chỉ có giới thượng lưu sử dụng. Hai triệu đồng, con số nhỏ so với những món hàng điện tử tinh vi. Nhưng chừng đó, bạn đã có thể mua một chiếc điện thoại Android cao cấp của 3 – 5 năm về trước.

Vì giá dễ chịu, chuyện sử dụng hai, ba thậm chí là năm máy là điều hết sức bình thường. Nhưng tôi e rằng nó chỉ ổn cho những ai có nhu cầu muốn trải nghiệm. Họ sẽ bán chúng đi và vòng tuần hoàn sẽ bắt đầu. Tuy nhiên có hai từ khoá ở đây, đó là “trải nghiệm” và “tuần hoàn”.

Từ góc độ tâm lý học, con người luôn có xu hướng tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới mẻ. Tất cả điều đó nhằm thỏa mãn nhu cầu tò mò bẩm sinh. Đó là lý do những đứa trẻ rất hay đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, não bộ luôn tìm kiếm thông tin mới để kích thích sự phát triển nhận thức. Đây là động lực thúc đẩy con người khám phá và học hỏi.

Trải nghiệm để giải phóng sự tò mò. Tuần hoàn để nuôi dưỡng sự trải nghiệm. Tất cả nghe có vẻ ổn, nhưng nó không hề ổn cho túi tiền và thời gian của bạn đâu nha.

Hai tay hai súng

“Hai tay hai súng”, tiện lợi đấy nhưng cũng lắm đau đầu. Liệu một máy Android, một iOS hay là cùng lúc cả hai máy cùng hệ điều hành? Chủ đề này đã được bàn rất nhiều trên các diễn đàn công nghệ. Đâu là sự lựa chọn khôn ngoan?

Không điều gì sẽ trở nên khôn ngoan nếu bạn không hiểu mình cần gì. Nếu đưa ra công thức, rất dễ dàng. Hãy chọn 1 Android, 1 iOS vì chúng bù trừ được cho nhau. Còn lại thì sao? Hai máy iPhone nghe có vẻ dư thừa nếu không có nhu cầu quá đặc thù. Nhưng có thể bạn sẽ tốn thêm ít thời gian nếu nghĩ đến chuyện hai thiết bị Android.

Hãy nhìn sang trình duyệt. Chúng ta có Edge, Chrome, Brave,… tất cả chúng đều có những đặc trưng khác nhau, và chả ai xem chúng là một thái cực riêng cả. Tuy nhiên, “mã DNA” trùng lặp duy nhất mà chúng có là nhân Chromium. Android cũng tương tự như vậy. Tôi đã dùng qua flagship của Pixel, Samsung, Xiaomi,… chúng đều chạy Android, nhưng về trải nghiệm thì khác nhau hoàn toàn. Người dùng Xiaomi khao khát về rom AOSP để đơn giản hoá trải nghiệm của họ. Người dùng Pixel thì lại mong muốn có nhiều hơn tính năng mặc định hơn. Thật tuyệt, rom custom và các module thông qua root có thể giúp họ làm điều đó.

Nghe có vẻ Android “nhiệm màu” hơn iOS. Tuy nhiên, phong cách của nhà Apple là “một mình một ngựa”. Và đó cũng chính là một loại ma thuật mà ai cũng muốn có. Giống như cách mà Steve Job làm nên cuộc cách mạng công nghệ vậy. Trải nghiệm UX của iOS rất khác so với phần còn lại, nó sạch sẽ, nó mượt mà và rất an ninh. Như thể ngôi nhà của bạn được xây trên mảnh đất của bạn. Còn Android là một căn chung cư hiện đại, giá cả phải chăng nhưng ồn ào và nguy hiểm hơn.

Càng ít càng nhiều

Trong Phật giáo có một câu nói rất hay “càng ít càng nhiều”. Từ trải nghiệm của bản thân, việc dùng hai máy kéo theo hàng loạt các vấn đề. Từ quản lý thời gian đến sinh hoạt cuộc sống. Nhưng đó là tôi khi chưa thực sự có chiến lược sử dụng hiệu quả cho riêng mình. Từ đó trở đi, tôi rất cân nhắc khi chuẩn bị rước thêm bất kỳ món đồ gì vào cuộc sống của mình.

Tôi là sinh viên ngành Multimedia, công việc liên quan đến sáng tạo là rất nhiều. Việc có một máy phụ để backup là điều cần thiết. Cả hai máy tôi sử dụng đều là Android, khá ngớ ngẫng nhưng về lâu dài nó cũng không tệ. Combo tôi dùng bao gồm Google Pixel 6 Pro và Mi 12S Pro. Đối với Pixel 6 Pro, tôi sử dụng khi ra ngoài trời vì nó có kháng nước và giao diện đỡ lằng nhằng hơn MIUI. Do máy dung lượng lên đến 512 GB, nó cũng như một ổ cứng di động.

Anh 3 thay dien thoai

Khi về nhà, Mi 12s Pro là sự lựa chọn hoàn hảo để làm việc, học tập và giải trí. Bên cạnh đó, Mi 12s Pro là con máy tôi hay vọc vạch thử rom, tuỳ biến giao diện. Việc có hai thiết bị cũng giúp tôi dễ dàng biên tập và xử lý các nội dung media. Như vậy, tôi theo hai chiến lược sử dụng là “bên trong – bên ngoài” và “ổn định – vọc vạch”.

Có lúc, tôi có suy nghĩ tinh gọn lại để hướng về lối sống tối giản. Thực tế tôi đã đang đổi sim rồi chỉ dùng một máy, và cất máy còn lại vào tủ chuyên dụng. Mọi thứ đến lúc này có vẻ ổn!

Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng một chiếc điện thoại đời mới. Thay vì phải bỏ tiền mua thêm một chiếc điện thoại nữa. Tôi tin rằng thiết bị của bạn đủ sức xử lý đa nhiệm vụ, đa không gian.

Cuối cùng, dùng hơn hai máy liệu có ổn?

Tôi biết đến chú Nguyễn Ngọc Hiếu. Chú là một nhà đầu tư, doanh nhân và sáng tạo nội dung. Tôi cũng biết đến lối sống tối giản tiêu biểu của chú. Nhưng một điểm tôi khá ngạc nhiên, là chú dùng đến năm chiếc điện thoại. Mỗi chiếc chú dành cho những mục đích khác nhau. Chú tách bạch chúng đến từng nhóm tác vụ và các đối tượng liên hệ cụ thể.

“Dùng hơn hay máy liệu có ổn?”. Tôi nghĩ câu trả lời là Có! Nó thật sự ổn khi chúng ta biết mỗi máy dùng cho việc gì. Nó phục vụ như thế nào cho cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn là đam mê công nghệ, dùng hai máy trở lên để trải nghiệm dù chưa có nhu cầu rõ ràng. Tôi nghĩ nó vẫn ổn vì đó là nhu cầu tâm lý rất đỗi bình thường.

Nhưng đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy điều này là phiền phức. Đáp án cho câu hỏi bên trên từ “Có” trở thành “Không”. Hãy lập lại chiến lược sử dụng sao cho bám sát thực tiễn cuộc sống. Hoặc “tiễn” chúng về số lượng cần thiết nhằm tinh gọn hơn cuộc sống của chúng ta nhé!

Còn tôi sẽ quay về dùng hai máy trong tương lai không? Có đấy, và nó sẽ bắt đầu ngay sau bài viết này!

Xem thêm:

So sánh Bluetooth 5.0 và aptX LL: Đâu là điểm khác biệt?

Nhìn nhận về trải nghiệm người dùng trong thời đại số

Bài viết liên quan

Gen Alpha – Thế hệ mới, xu hướng mới

Gen Alpha được xem là một thế hệ tiềm năng trong tương lai. Vậy Gen Alpha là gì? Những vấn đề mà thế hệ này phải đối mặt là như thế nào,...

Khám phá Peach Fuzz, màu chủ đạo của PANTONE 2024

Peach Fuzz là màu chủ đạo do PANTONE lựa chọn năm 2024. Bài vết này sẽ giúp bạn khám phá và gợi mở ý tưởng về cách khai thác mã màu này.

Samsung S24 Ultra có khả năng dùng Snapdragon 8 Gen 3, cảm biến ảnh 200 MP

Samsung vừa đăng tải video giới thiệu các tính năng camera mới. Đây có vẻ là thông số của Galaxy S24 Ultra sắp được ra mắt.

Vi xử lý Dimensity 9300 chính thức lộ diện

Dimensity 9300 đã xuất hiện trên cơ sở dữ liệu điểm chuẩn AnTuTu và đạt kết quả ấn tượng hơn 2 triệu điểm, cao nhất từ trước đến nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây