Thứ tư, 11 Tháng chín, 2024

Làm sao để trở thành một Designer không thể bị thay thế?

Chúng ta giống nhau ở một điểm, đó là ta đều có thể trở nên xuất sắc ở một lĩnh vực gì đó. Có những người may mắn hơn, họ đã nhận ra tài năng của họ ngay từ đầu và chạy theo một cách say mê. Điều này giúp họ đạt được những thành tựu cụ thể trong công việc.

Tuy nhiên, dù thế nào, vấn đề là ta thường khó chấp nhận khi bị thay thế bởi một người khác. Sự thật là cuộc sống này không xoay quanh một ai cả, và ta không phải là cái rốn của vũ trụ. Ta có thể giỏi một thứ gì đó, nhưng ngoài kia đầy rẫy những người cũng đang làm tốt, thậm chí còn tốt hơn chúng ta.

Có lúc tôi cảm thấy rất buồn bởi lẽ tôi cho rằng, mình là người phù hợp nhất cho vị trí công việc hiện tại. Nhưng cái gì đến thì sẽ đến, sẽ luôn có một sự lựa chọn thay thế tốt hơn tôi, không sớm thì muộn.

Thế rồi, tôi bắt đầu cảm thấy ám ảnh với nỗi sợ bị thay thế.

Đọc đến đây, nếu bạn cảm thấy mình cũng đang ở trong tình trạng tương tự, thì bạn không cần phải lo lắng. Dưới đây, tôi sẽ chia sẻ những cách mà tôi đã vượt qua được nỗi sợ đó.

Trước hết, tôi đã thay đổi tư duy của mình, từ “là một người không thể thay thế” thành “là một người mang lại giá trị”.

  • Suy nghĩ “mình là một người không thể thay thế” sẽ làm cho cái tôi ngày một lớn, làm tôi luôn cho mình là đúng và dẫn đến thất bại.
  • Suy nghĩ “mình đem lại giá trị” sẽ là động lực để ta không ngừng phấn đấu, hoàn thiện và phát triển bản thân mình.

Ta không thể biến mình thành một cá nhân “không thể thay thế”, nhưng ta có thể cố gắng trở thành một người có giá trị hơn cho công ty. Và chỉ có động lực đúng đắn đó mới có thể giúp chúng ta thực sự trở nên tốt hơn.

1. Tìm kiếm thú vui trong công việc

Có nhiều lúc tôi thức dậy với vẻ chán nản và tự hỏi bản thân: “Hôm nay mình có muốn đi làm không?”. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đã trải qua những buổi sáng như vậy.

Ngoài việc tuân thủ kỷ luật của bản thân, tôi cũng tìm thấy những thú vui nho nhỏ trong công việc hàng ngày như:

  • Nụ cười của bác bảo vệ
  • Một tách cà phê từ bạn cùng phòng
  • Hoàn thành những mục tiêu nhỏ

Trách nhiệm có thể giúp chúng ta cam kết thực hiện một điều gì đó, nhưng tận hưởng công việc sẽ giúp chúng ta gắn bó lâu dài hơn.

Photo by Ben Kolde on Unsplash

2. Đừng chỉ làm những điều quen thuộc

  • Bạn có muốn một mức lương cố định mãi không?
  • Bạn có muốn làm ở một vị trí công việc cả đời không?

Nếu không, tại sao ta lại chỉ làm những thứ quen thuộc mãi?

Tôi từng nghĩ rằng mình chỉ cần giỏi một loại công việc là được. Có lẽ điều này vẫn còn đúng với thời của bố mẹ tôi. Nhưng khi thế giới ngày càng phẳng, kiến thức ngày càng dễ tiếp cận hơn, thì sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nếu bạn là một Designer có nhiều năm kinh nghiệm, hãy thử xem các dự án tốt nghiệp gần đây của sinh viên đại học, bạn có thể sẽ phải suy nghĩ lại những điều trên.

Tôi đã luôn thừa nhận những thiếu sót của mình, đến mức mà trong tiềm thức, tôi đã từ chối việc khắc phục chúng. Biết được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là điều cần thiết, nhưng nó sẽ không mang lại lợi ích gì nếu như tôi không hành động. Do đó, tôi quyết định bước ra khỏi vùng an toàn của mình và đi tìm những cơ hội mới.

3. Đừng chỉ ngồi đó và đợi

Giống như việc bạn không mua vé số nhưng lại luôn hy vọng được trúng thưởng vậy. Không một trận chiến nào thắng mà không có giao tranh, không có món ăn nào tự động bày ra trước mắt bạn, và không có kỹ năng nào mà thành thạo được mà không nhờ luyện tập. Hãy thử phân bổ thời gian của bạn theo quy tắc 80–20: 80% thời gian làm những việc bạn giỏi, tạo ra những giá trị tức thì và 20% thời gian dành cho việc thực hành các kỹ năng mới, có thể nhân lên giá trị và tạo cơ hội mới.

Tôi thường dành ra 30 phút mỗi ngày để rèn luyện kỹ năng viết của mình, và khả năng viết tốt hơn đã giúp ích rất nhiều trong việc hệ thống hóa kiến thức thiết kế của tôi.

4. Dám mạo hiểm

Bạn sẽ không bao giờ biết được giới hạn thực tế của mình nếu bạn không mạo hiểm.

Xã hội hướng con người đến sự ổn định, điều này đã tạo ra một nghịch lý: Ta lớn lên với tâm lý tìm kiếm sự an toàn trong cuộc sống, trong công việc và trong tình yêu. Nhưng sâu bên trong, ta muốn những trải nghiệm mạo hiểm, những cảm giác mới mẻ và đầy thử thách.

Photo by Perry Grone on Unsplash

Tôi từng nghĩ rằng mình không thể chạy xa hơn 10km, nhưng tôi thay đổi suy nghĩ sau khi đăng ký chạy Half-marathon 21km vào cuối năm 2018. Hiện tại đối với tôi, việc chạy Marathon cũng không phải là quá khó.

Do đó, ý thức phát triển làm cho chúng ta có cảm giác thực sự sống. Và khoảnh khắc chúng ta ngừng thử thách bản thân để vượt qua giới hạn của mình cũng là lúc chúng ta ngừng sống.

5. Hãy giữ lời hứa

Sự tôn trọng của một người đối với bạn phụ thuộc vào tính nhất quán giữa việc đưa ra lời hứa và cách bạn thực hiện lời hứa đó. Điều này có nghĩa là nếu bạn hứa với người khác ở mức 10, trong khi kết quả bạn đạt được lại thấp hơn thì sự tôn trọng của họ đối với bạn càng thấp. Ngược lại, nếu bạn có thể làm tốt hơn 10, điều đó cũng làm tăng sự tôn trọng người kia dành cho bạn.

Mặt khác, nếu lời hứa của bạn quá dễ dàng để thực hiện, bạn sẽ không thể thay đổi hình ảnh của mình trong mắt người khác được. Hãy nhắm đến mục tiêu mà bạn có thể đạt được và hứa sẽ tiến xa hơn thế một chút, và thử xem điều này có thể giúp bạn phát triển như thế nào.

6. Giữ thái độ đúng mực

Trong cuốn “A Compass to Fulfillment” của Inamori Kazuo, có một công thức mà tôi rất tâm đắc:

Life Formula by Kazuo Inamori

Chất lượng Cuộc sống hoặc Công việc của Chúng ta = Thái độ x Nỗ lực x Khả năng.

Điều thú vị của công thức này nằm ở nhân tố “Thái độ” ở vị trí đầu tiên. Có Thái độ tốt (+) và cũng có Thái độ xấu (-). Cho dù chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu nỗ lực hay khả năng của ta tốt đến mức nào, nếu ta không có một thái độ tốt thì ta cũng khó có thể thành công trong công việc và cuộc sống.

Vì vậy, dù ta đang ở trong hoàn cảnh sống nào, hãy cố gắng giữ một thái độ đúng mực.

Nỗi sợ bị thay thế quả thật là một điều cay đắng và nó sẽ luôn hiện hữu khi chúng ta chưa thay đổi cách nghĩ của mình. Nhưng bạn đừng lo, nếu bạn muốn trở thành một người có giá trị, thì bạn sẽ luôn luôn có một chỗ đứng cho mình.

Đọc thêm: Ngành Multimedia, nền tảng cho một thế giới số đầy nghệ thuật

Bài viết liên quan

Sức mạnh của “sự tốt hơn”

Tốt hơn chỉ 1% mỗi ngày có thể dẫn đến thành công lớn. Những nỗ lực nhỏ nhưng liên tục có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống.

Vượt qua cám dỗ dopamine

Tìm hiểu cách dopamine ảnh hưởng đến động lực, khen thưởng và cuộc sống. Đâu là những chiến lược hiệu quả để vượt qua cám dỗ dopamine.

Gen Alpha – Thế hệ mới, xu hướng mới

Gen Alpha được xem là một thế hệ tiềm năng trong tương lai. Vậy Gen Alpha là gì? Những vấn đề mà thế hệ này phải đối mặt là như thế nào,...

Khám phá Peach Fuzz, màu chủ đạo của PANTONE 2024

Peach Fuzz là màu chủ đạo do PANTONE lựa chọn năm 2024. Bài vết này sẽ giúp bạn khám phá và gợi mở ý tưởng về cách khai thác mã màu này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây