Tuần qua, Microsoft đã chính thức giới thiệu phiên bản hệ điều hành mới Windows 11. Đây cũng là phiên bản nối tiếp Windows 10. Liệu bạn có nhất thiết phải cập nhật lên Windows 11 không?
Thực tế, đối với người dùng bình thường thì việc sử dụng Windows 10 vẫn khá ổn. Hiện tại, mình cảm nhận vô số tính năng trên Windows 10 còn chưa được sử dụng hết. Khi nghe tin Windows 11 ra mắt, bản thân mình bất ngờ có, thích thú cũng có. Ấn tượng nhất là giao diện được “thay áo” mới tối giản, hài hòa và hợp thời hơn.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân mình, việc nâng cấp lên Windows 11 cũng cần được cân nhắc. Sau đây là những lý do:
Yêu cầu cấu hình
Yêu cầu cấu hình hiện tại Windows 11 là một trăn trở lớn. Có vẻ như cấu hình tối thiểu tuy không cao nhưng cần đáp ứng nhiều tiêu chí khác. Liệu máy của bạn có nhất thiết phải nâng cấp lên khi mà phiên bản hiện tại đang ổn định? Bạn không có lý do gì để nâng cấp lên phiên bản mới mà không có nhu cầu gì mới cả?
Sau đây là yêu cầu tối thiểu để cài được Windows 11:
- CPU tốc độ 1 GHz trở lên với hai lõi trên vi xử lý tương thích 64-bit.
- RAM 4 GB.
- Màn hình 9 inch, độ phân giải HD.
- Dung lượng còn trống ít nhất là 64 GB.
- Firmware hệ thống: UEFI, có tính năng Secure Boot.
- Hỗ trợ chip bảo mật TPM 2.0.
- Card đồ họa tương thích DirectX 12/WWDC 2.x.
Đây là cấu hình tối thiểu cài được Windows 11, không quá khó khăn. Nhưng để đáp ứng cập nhật thông qua Windows Update thì lại là một câu chuyện khác. Bạn có thể kiểm tra thiết bị của mình có đủ điều kiện “lên đời” một cách chính thức TẠI ĐÂY.
Nếu chỉ muốn trải nghiệm các tính năng trên Windows 11, các bạn nên sử dụng phần mềm giả lập để cài đặt phiên bản này. Nếu bạn vẫn muốn trải nghiệm trực tiếp trên máy tính cá nhân, có thể dùng các bản leak đã được chỉnh sửa để vượt qua cấu hình tối thiểu (cách này mình không khuyên dùng vì có thể nó chứa mà độc và không ổn định).
Nhân viên văn phòng
Nếu bạn là nhân viên văn phòng, Windows 10 vẫn đang đáp ứng ổn định các nhu cầu và vẫn được hỗ trợ lâu dài. Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải cập nhật lên Windows 11 nếu điều kiện còn hạn chế. Hơn nữa, hầu hết các dòng máy Office cũ thường có cấu hình không đáp ứng hết các yêu cầu tối thiểu mà Microsoft đưa ra dành cho Windows 11.
Hiện tại Windows 11 vẫn chưa được phát hành chính thức. Chủ yếu là thông qua các bản leak và tùy chỉnh của các bên thứ 3. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình làm việc của bạn vì sự thiếu ổn định cũng như rủi ro về bảo mật.
Thứ 3: Yêu cầu TPM 2.0
Đây là một điều kiện khó khăn. Cụ thể, nó cũng chính là lý do khiến nhiều thiết bị đời từ 2014 trở xuống không nhận được các bản cập nhật Windows 11. Bởi vì TPM 2.0 chỉ được ra mắt cách đây không lâu và chưa được áp dụng rộng rãi.
Thêm vào đó, TPM 2.0 mới chỉ được thịnh thành gần đây trên các thiết bị Laptop và PC mới. Mức giá đi kèm là không hề rẻ cho các dòng máy được tích hợp con chip bảo mật này.
Tổng kết
Không phủ nhận sự độc đáo, mượt mà và các tiện ích mới mẻ trên Windows 11. Tuy nhiên, hiện tại phiên bản này vẫn chưa thật sự ổn định, cùng yêu cầu cấu hình kén thiết bị. Do đó, bạn cần cân nhắc trước khi có quyết định nâng cấp lên Windows 11 hay không. Vì điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm, công việc và học tập cá nhân. Ngoài ra, Windows 10 vẫn còn được Microsoft hỗ trợ cập nhật thêm 4 năm nữa nên các bạn cứ yên tâm sử dụng.
Chúc các bạn hài lòng với lựa chọn của bản thân!
(Mục đích bài viết không ngăn cản người dùng nâng cấp, mình chỉ hy vọng mang lại góc nhìn mới về việc cập nhật Windows 11)
Xem thêm: 6 Lý do vì sao Windows vẫn tốt hơn Linux