Font chữ là “linh hồn” trong truyền tải nội dung của sản phẩm thiết kế. Ngoài ra, nó còn là điểm nhấn về phong cách, nét đặc trưng về văn hoá của từng vùng lãnh thổ. Hiện nay, mặc dù trọng tâm là xu hướng thiết kế hiện đại, nhưng những triết lý cổ điển vẫn tạo được sức hút cho người xem. Cũng chính vì thế, font chữ có sự hoà trộn giữa xưa và nay xuất hiện và không ngừng phát triển như một phần tất yếu của nghệ thuật.
Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp những font chữ mang phong cách cổ xưa mà bạn nên thử trong dự án thiết kế của mình nhé!
Classicque Saigon
Nắm giữ linh hồn của một sản phẩm thiết kế đó là sự kết hợp hài hoà của bố cục, màu sắc và cả font chữ. Vì thế, mỗi yếu tố cần được quan tâm chăm chút để có thể phát triển thật toàn diện. Cũng giống như những nhà thiết kế chuyên về các mảng khác, nhà thiết kế kiểu chữ phải không ngừng thử nghiệm và sáng tạo nên những kiểu chữ mới phù hợp với từng phong cách.
Nhà thiết kế Mạnh Nguyễn cũng thế, ông chọn cho mình con đường khám phá và gửi gắm những nét truyền thống đậm chất Việt Nam. Lấy sự đam mê, chân thành và mãnh liệt làm “xương sống” cho từng đường nét kiểu chữ, Mạnh Nguyễn đã thành công khi cho ra đời font classicque Sai Gon.
Mong muốn truyền bá, tái sinh những nét tinh túy văn hóa Sài Gòn xưa đến công chúng mọi thời đại bằng tâm hồn và cảm xúc của một người nghệ sĩ yêu cái đẹp. Font được ra đời từ sự hứng thú với những tấm biển hiệu, biểu ngữ cổ điển vẽ tay vào những thập niên 50 – 60 tại Sài Gòn, đến cảm hứng từ dự án mang tên “ Lưu chữ” ( the lost type Vietnam – #luuchu).
Classique Sai Gon là kiểu chữ gồm 71 font được Việt hoá từ các font nước ngoài, với đường nét đậm, đầy đặn gợi cảm giác mạnh mẽ, hùng hồn như hình ảnh người Việt bao đời nay. Tuy là “đứa con” được định hướng chủ yếu theo lối cổ điển, song vẫn thổi được chút sức trẻ, rất gần gũi và mới mẻ. Thêm vào đó là sự hiện đại nhưng không hề mất chất xưa vốn có. Qua đó cho thấy, nhà thiết kế đã rất tâm huyết cho công cuộc phục dựng văn hoá Việt một cách khéo léo và đầy tinh tế.
L’Hanoienne
Tiếp nối sự thành công của Classicque Sai Gon trước đó, người con của thủ đô Hà Nội – Mạnh Nguyễn một lần nữa giới thiệu đến công chúng font L’Hanoinne như một cách tiếp nối sự trân quý của ông đến mảnh đất quê hương mình.
Mang khá nhiều điểm chung với classicque Sai Gon. Mặc dù vậy, ông vẫn tạo được nét đặc trưng riêng cho mỗi đứa con tinh thần của mình. L’Hanoienne mang nét mạnh mẽ và đứng đắn, nhưng hoà vào đó là phong cách cổ kính, nhẹ nhàng và sang trọng. Nó gợi sự liên kết đến vẻ đẹp vang danh muôn thuở của người con gái Hà Nội.
Cùng ánh nhìn quen thuộc, Mạnh Nguyễn đã tạo cho người xem cảm giác chắc chắn, gọn gàng và đứng đắn với nét chữ to và dày. Chính sự tinh tế và sáng tạo của ông đã thêm thắt, biến tấu vào đó là những dấu câu với đường nét thanh mảnh, giúp kiểu chữ trông cân bằng và hài hòa. Nhìn chung, L’Hanoienne tạo cảm giác vừa mạnh mẽ vừa thanh lịch rất hợp với danh xưng “cô gái Hà Nội” xưa.
Nếu bạn đang ấp ủ một dự án, hay sản phẩm thiết kế mang hơi hướng cổ điển. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không cân nhắc sử dụng ngay L’Hanoienne. Sự bức phá về diện mạo giúp nâng tầm sản phẩm, đem lại cho người nhìn những rung cảm khó phai trước cái đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại.
Wallington
Không còn là nét kiều diễm của Sài Gòn hay cổ điển của Hà Nội. Font Wallington tiếp nhận những nét văn hóa của phương Tây, cụ thể là thời Anh Quốc cổ đại. Đây là “vương quốc nghệ thuật” nổi tiếng từ lâu đời, nơi dòng chảy nghệ thuật có sức ảnh hưởng lên toàn thế giới. Font được thiết kế bởi Sandi Dez và phát hành bởi Zeune Ink Foundry vào khoảng giữa thế kỷ XII đến Art Nouveau ở thế kỷ XIX.
Điểm cộng đầu tiên cũng như đặc trưng nhất của font đó chính là đường cong, được chăm chút tỉ mỉ toát lên vẻ cổ điển nhưng gần gũi, dễ đọc, dễ nhìn. Đó cũng là mục tiêu mà nhà thiết kế đã đạt được trong việc thiết kế nên font Wallington.
Cảm hứng tạo nên font xuất phát từ những đường cong, cấu trúc đậm chất phương Tây. Từ đó, bằng đầu óc và niềm đam mê nhà thiết kế đã tạo ra hơn 720 glyphs bao gồm 268 chữ ghép độc đáo, cùng 30 câu khẩu hiệu và 10 bộ phong cách nhằm giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc tìm và thoải mái sáng tạo. Khi kết hợp chúng, nhà thiết kế sẽ tạo nên những sản phẩm phù hợp với từng phong cách muốn hướng tới. Đây cũng chính là điểm cộng lớn thứ hai của font.
Một kiểu chữ sở hữu những điểm cộng đắt giá như thế này, có lẽ sẽ khiến bạn phải cân nhắc lắm đây!
Coco FY
Tiếp tục hành trình khám phá, vẫn là một font cổ điển, hoài niệm về những bức tranh, tấm bảng hiệu trên đường phố mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh vào những thập niên trước. Font được đồng sáng lập bởi brand Reguron và Gia Tran.
Coco FY mang đến một hơi thở đậm chất cổ điển, thiết kế dễ nhìn, có độ tượng phản cao, rất cô đọng lại rất dễ dàng phối hợp với nhiều phong cách thiết kế. Kết hợp với sự sáng tạo của người dùng. Mình có thể tự tin mà nói rằng, Coco FY đủ sức cân được mọi thể loại từ đường phố năng động, đến lãng mạn nhẹ nhàng hay thậm chí là cá tính, mạnh mẽ.
Nếu như font đã đạt tiêu chuẩn của bạn đặt ra, vậy thì nhanh tay “ tậu” về ngay để còn cho ra đời nhiều siêu phẩm thiết kế nhé!
Tổng kết
Dạo qua một vòng từ Á sang Âu, điểm chung nổi bật nhất của các kiểu chữ mà chúng ta vừa tìm hiểu là sự hoà trộn tinh tế giữa xưa và nay. Đó chính là sự khát khao đưa con người tìm về những giá trị cổ xưa, song vẫn không quên quay về thực tại để vươn ra thế giới.
Hành trình của chúng ta vẫn chưa dừng lại tại đây, hãy đón chờ phần 2 cùng mình nhé!
Xem thêm: Phân biệt ảnh Vector với ảnh Raster