Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn chỉ cần lướt, đọc và đôi khi là nghe, tất cả đều có khả năng do AI tạo ra một cách trực tiếp hay gián tiếp. Khi mọi thông tin được sản xuất với tốc độ chóng mặt, việc nhận diện nguồn gốc của nội dung sẽ trở nên khó khăn hơn, kể cả bạn có tư duy phản biện tốt thế nào đi chăng nữa.
Joe Procopio, một trong những kỹ sư trong nhóm tiên phong phát triển AI tạo sinh phục vụ thương mại từ hàng chục năm về trước. Mới đây, anh ấy đã chia sẻ bài viết khá thú vị về cách nhận diện nội dung do AI tạo ra. Tôi đã đọc đi đọc lại bài của anh ấy nhiều lần, có vẻ vấn đề cần nhìn nhận một cách rộng hơn.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau nhận diện một số thứ “made by AI” từ góc nhìn của Joe. Bên cạnh đó, tôi sẽ mở rộng ra một số vấn đề liên quan đến giá trị con người và xã hội, mong là nó sẽ không khô khan. Trước khi vào nội dung, ICTGO xin cảm ơn Joe Procopio vì ý tưởng rất hấp dẫn này. Bắt đầu thôi!
Hãy đọc kỹ lại email
Dấu hiệu nhận diện nội dung do AI tạo ra đầu tiên là thiếu cá nhân hóa. Theo Joe Procopio, các email được tạo tự động bởi các công cụ như ChatGPT, Gemini,… thường có phần mở đầu quá cứng nhắc với các cụm từ mẫu như “Kính gửi A, tôi là B. Hôm nay tôi viết email này để trình bày về vấn đề C”. Chà, nó giống như cách tôi tìm tư liệu để viết lời mở đầu cho luận văn đại học. Như bạn có thể thấy, những thứ mang tính chất công nghiệp thường rất dễ dùng, và tất nhiên là nó cũng dễ nhận diện.
Nhìn sâu hơn, sự thiếu linh hoạt trong lời chào làm mất đi tính cá nhân, điều này khiến người nhận cảm thấy thông điệp được gửi đi một cách lạnh lùng và thiếu sự quan tâm đặc biệt. Nó đặc biệt nguy hiểm trong giao tiếp kinh doanh, khi mà sự kết nối và lòng tin được xây dựng từ những chi tiết nhỏ nhất trong cách tiếp cận khách hàng.
Ngoài ra, những thông điệp này thường chứa đựng các mẫu câu chung chung, lặp đi lặp lại, không có sự điều chỉnh cho từng đối tượng cụ thể. Việc thiếu đi ngữ cảnh, sự tùy biến theo tính cách hay đặc thù của người nhận sẽ làm giảm hiệu quả giao tiếp, có thể làm mất đi những cơ hội kinh doanh tiềm năng. Chính vì vậy, nhận diện các dấu hiệu trong nội dung email là bước đầu tiên để đánh giá mức độ chuyên nghiệp và chân thật của bạn hay đối phương.
Bình luận và đánh giá sản phẩm
Bình luận và đánh giá sản phẩm cũng là nơi mà các dấu hiệu của nội dung AI thường xuyên lộ diện. Joe Procopio cho biết, những bài bình luận được tạo ra tự động thường thiếu đi chiều sâu cảm xúc và trải nghiệm cá nhân, điều vốn dĩ là yếu tố then chốt trong việc xây dựng niềm tin và uy tín.

Khi một bình luận hoặc đánh giá chỉ là tập hợp của những câu từ được sắp xếp một cách máy móc, không thể hiện được cảm xúc chân thật của người sử dụng, thì ngay lập tức người đọc sẽ cảm nhận được sự “rỗng tuếch” của nội dung. Ví dụ “Sản phẩm không chỉ tuyệt vời mà còn chất lượng, thể hiện trọn vẹn tâm huyết của người bán”.
Vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng cho các ngành hàng như thực phẩm chức năng, sản phẩm giá trị cao, hay người dùng ít kinh nghiệm mua sắm trên thương mại điện tử. Nhận diện được những dấu hiệu như vậy, nó sẽ giúp đáng kể cho người tiêu dùng phân biệt được giữa một đánh giá thực sự và một đánh giá chả khác gì đọc TVC.
Bài viết trên mạng
Rất nhiều nội dung trên mạng do AI tạo ra. Niềm vui nho nhỏ là bạn có thể loại trừ bài này.
Theo lý thuyết truyền thông thì chữ và hình, kết hợp chúng lại là ra bài viết hoàn chỉnh, loại hình này đóng vai trò chủ chốt trong việc lan toả thông tin. Do đó, việc bạn nhận diện được tác giả là người hay máy đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực giáo dục, an ninh, báo chí và truyền thông.
Theo quan điểm của Joe Procopio, khi nội dung được tạo ra bởi AI, thường xuất hiện hiện tượng “word salad”. Tức nghĩa là những đoạn văn có vẻ mạch lạc nhưng lại thiếu đi nội dung ý nghĩa thực sự. Anh chia sẻ rằng, dù công nghệ hiện nay có thể tạo ra những dòng chữ trôi chảy, nhưng nếu thiếu đi sự tư duy và cảm xúc con người, nội dung đó chỉ đạt được khoảng 60% sự tự nhiên.
Những bài viết như vậy thường chứa đựng các cụm từ, các câu không cần thiết. Chúng được “nhồi nhét” vào nhằm mục đích che giấu dấu vết của máy móc. Khi đọc, người dùng dễ dàng cảm nhận được sự thiếu mạch lạc về cảm xúc và chiều sâu thông tin, dẫn đến mất đi giá trị của thông điệp mà người viết muốn truyền tải. Đây chính là một trong những dấu hiệu tiêu biểu nhận diện nội dung được tạo từ AI.
Sau khi đọc được điều này, tôi thật sự hoài nghi lời khen “viết như cái máy” của đồng nghiệp dành cho tôi khi còn làm ở mảng marketing.
Hồ sơ xin việc
Trong tuyển dụng, hồ sơ xin việc là “vật phẩm” để lại ấn tượng đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhận được. Joe Procopio khẳng định rằng, nếu những tài liệu này được tạo ra bởi AI như ChatGPT, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận ra sự thiếu cá nhân hóa.
Theo đó, hồ sơ xin việc cần thể hiện được sự nỗ lực, tâm huyết và khả năng giao tiếp của người ứng tuyển. Những yếu tố mà AI khó có thể sao chép. Khi nội dung được tạo ra một cách tự động, nó thường mang lại cảm giác “xáo rỗng” về mặt tổng thể, thiếu đi cái “chất” của người viết.

Điều này chắc chắn gây ấn tượng xấu, làm giảm cơ hội được tuyển dụng. Đa số các doanh nghiệp lớn hiện nay đã trở nên cực kỳ tinh tường, họ có khả năng phân biệt giữa một văn bản được viết bằng tâm huyết và một văn bản được tạo ra từ máy móc.
Kết luận
Bài viết được xuất bản năm 2025, lúc này AI đã vượt trội hơn rất nhiều so với vài năm trước. Thậm chí Google đã có thể tạo ra cuộc đối thoại bằng AI với NotebookLM. Điều này có nghĩa khoảng cách về khả năng diễn đạt giữa con người và máy móc đang được rút ngắn lại, nó có thể cảm xúc, tự nhiên và khó nhận diện hơn.
Dù thế nào đi nữa, AI được tạo ra với mục đích duy nhất là phục vụ con người. Những giá trị thuần túy của xã hội cần được tách biệt khỏi mọi hình thức ‘nhân bản nguy hiểm’. Nếu chúng ta không thể nhận diện những yếu tố cốt lõi này, xã hội sẽ trở nên ngột ngạt bởi những sự dè chừng thường trực.
Mong rằng bài viết sẽ hữu ích cho bạn. Nếu có suy nghĩ về chủ đề thú vị này, hãy để lại bình luận ở phía bên dưới nhé!
Xem thêm: Vì sao máy ảnh ngày càng đắt, góc nhìn 2025