Kagi là một công cụ tìm kiếm trả phí hướng đến trải nghiệm tìm kiếm không quảng cáo và bảo vệ quyền riêng tư. Khác với các công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay, vốn dựa vào quảng cáo để tạo doanh thu, Kagi hoạt động theo mô hình đăng ký trả phí nhằm đảm bảo kết quả tìm kiếm chất lượng mà không bị can thiệp bởi quảng cáo hoặc thuật toán ưu tiên nhà quảng cáo.
Theo đó, điểm nổi bật của Kagi là khả năng tìm kiếm không bị theo dõi, không lưu lịch sử tìm kiếm cá nhân và không bán dữ liệu người dùng. Ngoài ra, công cụ này còn cho phép người dùng tùy chỉnh kết quả tìm kiếm thông qua tính năng “lenses”, giúp tìm kiếm mục tiêu trên các diễn đàn, trang học thuật hoặc các nguồn tin cụ thể. So với Google, nơi người dùng có thể bị ảnh hưởng bởi thuật toán ưu tiên nội dung tài trợ, Kagi cung cấp kết quả khách quan hơn, phù hợp với nhu cầu thực tế của người tìm kiếm.
Kagi không cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí như Google, Bing, Baidu,… Sau khi sử dụng thử 100 lượt tìm kiếm, người dùng phải đăng ký gói trả phí. Hiện tại, Kagi cung cấp hai gói dịch vụ chính, bao gồm gói “Starter” giá gần 118 nghìn đồng/tháng với giới hạn 300 lượt tìm kiếm, và gói “Ultimate” giá gần 588 nghìn đồng/tháng, không giới hạn lượt tìm kiếm và tích hợp trợ lý AI.
Đặc biệt, Kagi áp dụng chính sách “Fair Pricing”, tức là nếu trong một tháng người dùng không thực hiện bất kỳ lượt tìm kiếm nào, họ sẽ nhận được tín dụng tương đương với số tiền đã trả, giúp tháng đó trở nên miễn phí về mặt tài chính. Chính sách này giúp người dùng linh hoạt hơn trong quá trình sử dụng mà không cảm thấy lãng phí chi phí đăng ký.
So với Google, Kagi là lựa chọn phù hợp cho những ai coi trọng quyền riêng tư, muốn có kết quả tìm kiếm chất lượng mà không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo hoặc dữ liệu cá nhân hóa. Mặc dù là nền tảng thuần trả phí, công cụ này có thể mang lại trải nghiệm tìm kiếm khác biệt so với mặt bằng chung. Điều này giúp Kagi trở thành một giải pháp đáng cân nhắc cho người dùng quan tâm đến tìm kiếm hiệu quả và bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến.
Xem thêm: Làm thế nào để nhận diện nội dung tạo ra bởi AI