Ứng dụng chạy nền có thật sự làm chậm điện thoại?

- Advertisement -

Ứng dụng chạy nền là các phần mềm vẫn hoạt động ngay cả khi người dùng không trực tiếp sử dụng. Chúng có thể là ứng dụng vừa mới hoạt động trước đó, hoặc các tác vụ đơn giản như đồng bộ dữ liệu, cập nhật thông báo hoặc duy trì kết nối mạng.

Nhiều người dùng lo ngại rằng ứng dụng chạy nền có thể làm chậm điện thoại, ảnh hưởng đến hiệu suất và tiêu hao pin. Tuy nhiên, cách hệ điều hành quản lý bộ nhớ RAM có thể khiến tác động này khác nhau giữa các nền tảng.

Trên iOS, Apple đã thiết kế hệ thống cho khả năng kiểm soát ứng dụng chặt chẽ, trong khi Android có vẻ “thoáng” và linh hoạt cao hơn, nhưng điều này cũng tùy thuộc vào từng hãng sản xuất thiết bị. Vậy, ứng dụng chạy nền có thực sự làm chậm điện thoại hay không?

Bài viết này, ICTGO sẽ phân tích rõ cơ chế hoạt động của iOS và Android để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

Cách iOS quản lý ứng dụng chạy nền

Apple đã dày công thiết kế một cơ chế quản lý bộ nhớ hiệu quả cho iOS, tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên để đảm bảo hiệu suất mượt mà. Điều này đã làm nên tính đặc trưng của các thiết bị như iPhone, iPad và Mac.

Theo đó, iOS đã hạn chế các ứng dụng chạy nền một cách nghiêm ngặt nhưng hợp lý, hệ thống chỉ cho phép một số tiến trình nhất định như phát nhạc, định vị hoặc đồng bộ dữ liệu tiếp tục hoạt động.

pin-iPhone-12-mini

Một quan niệm phổ biến là iOS “đóng băng” ứng dụng khi không sử dụng, nhưng thực tế, hệ điều hành này sử dụng một cơ chế có tên “tombstoning.” Khi một ứng dụng bị đưa vào chế độ nền, trạng thái của nó được lưu lại, nhưng tiến trình không còn chạy. Nếu hệ thống cần giải phóng RAM, nó có thể “kết thúc” (terminate) ứng dụng hoàn toàn, tức là đóng ứng dụng và buộc nó phải khởi động lại khi người dùng mở lại.

Bên cạnh đó, iOS có thể sử dụng bộ nhớ Swap để lưu trữ dữ liệu tạm thời khi RAM bị quá tải. Điều này giúp giảm bớt áp lực lên bộ nhớ nhưng có thể làm chậm thiết bị nếu bộ nhớ lưu trữ không đủ nhanh.

Cơ chế quản lý RAM trên Android

Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, cho phép các nhà sản xuất thiết bị (OEM) tùy chỉnh theo nhu cầu riêng. Điều này dẫn đến sự khác biệt đáng kể về cách quản lý RAM giữa các thiết bị. Một số hãng như Samsung hay Xiaomi có thể tối ưu hóa để giữ ứng dụng chạy nền lâu hơn nhằm cải thiện tốc độ mở lại, trong khi các hãng khác có xu hướng đóng ứng dụng nhanh để tiết kiệm pin.

“Low Memory Killer” (LMK) là một thành phần quan trọng của Android, giúp hệ thống tự động đóng các ứng dụng ít quan trọng khi bộ nhớ RAM gần đầy. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của LMK có thể thay đổi tùy thuộc vào phiên bản Android và các điều chỉnh từ OEM. Một số thiết bị có thể sử dụng các thuật toán AI để học thói quen người dùng, từ đó điều chỉnh việc quản lý bộ nhớ cho phù hợp.

one ui 7

Ngoài ra, Android hiện đại cũng sử dụng bộ nhớ Swap, cho phép hệ thống ghi dữ liệu từ RAM vào bộ nhớ lưu trữ khi cần thiết. Điều này giúp thiết bị có thể chạy nhiều ứng dụng hơn, nhưng nếu bộ nhớ lưu trữ không đủ nhanh, nó có thể làm giảm hiệu suất tổng thể.

Ứng dụng chạy nền có làm chậm thiết bị không?

Trên thực tế, hệ điều hành đã được thiết kế để quản lý tài nguyên một cách tối ưu, nên việc ứng dụng chạy nền hiếm khi làm chậm thiết bị một cách đáng kể. Nếu điện thoại có đủ RAM, các ứng dụng chạy nền không ảnh hưởng đến hiệu suất của ứng dụng đang được sử dụng. Thậm chí, việc giữ ứng dụng trong bộ nhớ giúp chúng mở lại nhanh hơn, giảm thời gian tải lại từ đầu.

Tuy nhiên, nếu thiết bị có bộ nhớ RAM thấp hoặc có quá nhiều ứng dụng tiêu tốn tài nguyên cùng lúc, tình trạng chậm máy có thể xảy ra. Điều này đặc biệt đúng với các thiết bị Android tầm trung hoặc giá rẻ, nơi dung lượng RAM hạn chế khiến hệ thống phải thường xuyên đóng ứng dụng để giải phóng bộ nhớ, dẫn đến hiện tượng giật lag khi chuyển đổi ứng dụng.

Có nên tắt ứng dụng chạy nền?

Trong trường hợp của iOS, việc đóng ứng dụng theo cách thủ công không mang lại lợi ích đáng kể, thậm chí có thể phản tác dụng. Khi người dùng buộc dừng một ứng dụng và mở lại sau đó, hệ thống phải tải lại toàn bộ dữ liệu từ đầu, gây tiêu hao nhiều tài nguyên hơn so với việc để ứng dụng ở trạng thái “đóng băng”.

Đối với Android trong một số trường hợp, việc tắt ứng dụng chạy nền có thể giúp tiết kiệm pin, đặc biệt là với các ứng dụng liên tục hoạt động như mạng xã hội, GPS hoặc ứng dụng nhắn tin. Tuy nhiên, việc đóng ứng dụng thường xuyên có thể khiến hệ điều hành phải khởi động lại chúng liên tục, gây hao pin hơn so với việc giữ chúng trong bộ nhớ.

Ứng dụng chạy nền không phải là nguyên nhân chính gây chậm điện thoại nếu thiết bị có đủ RAM và hệ điều hành quản lý tốt tài nguyên. Trên iOS, Apple đã tối ưu hóa việc quản lý ứng dụng để giảm tác động đến hiệu suất. Trong khi đó, Android có sự linh hoạt cao hơn, nhưng cũng dẫn đến sự khác biệt giữa các hãng sản xuất. Người dùng chỉ nên can thiệp vào quản lý ứng dụng nền khi thực sự cần thiết, thay vì tắt ứng dụng một cách vô tội vạ.

Xem thêm: Có nên dùng trình quản lý mật khẩu mặc định của trình duyệt?

- Advertisement -

Bài viết liên quan

vi sao nen dung 2 o ssd 1

Vì sao máy tính nên dùng hai ổ SSD?

Hai ổ SSD giúp tăng tốc hệ thống, bảo vệ dữ liệu tốt hơn và nâng...
VGA hay GPU

Phân biệt VGA và GPU: Thuật ngữ nào chuẩn...

Phân biệt rõ VGA và GPU trong card đồ họa, giúp người dùng hiểu đúng bản chất,...
sọc màn hình

Tại sao màn hình điện thoại ngày nay dễ...

Tìm hiểu nguyên nhân màn hình điện thoại bị sọc, từ lỗi phần cứng, ảnh hưởng môi...
dinhnghiacaidep

Đẹp và xấu: Chúng ta thật sự đánh giá...

Đẹp và xấu, chúng ta thật sự đánh giá dựa trên điều gì? Khám phá những chuẩn...
agentic ai

Agentic AI: Khi trí tuệ nhân tạo biết suy...

Khám phá Agentic AI công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động ra quyết định thông minh,...
đàm đạo công nghệ

Công nghệ: “Chiếc lưới tàng hình” bao trùm cuộc...

Công nghệ mang lại tiện ích và cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về...