Thứ tư, 11 Tháng chín, 2024

Nhìn nhận về trải nghiệm người dùng trong thời đại số

Trong thời đại kết nối ngày nay, trải nghiệm người dùng trải rộng trên nhiều nền tảng thiết bị – từ điện thoại thông minh tới tivi thông minh. Người dùng giờ đây không còn bị giới hạn ở một thiết bị nữa. Thay vào đó là một hệ sinh thái gồm nhiều thiết bị kết nối và tương tác với nhau.  

Chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái mà trong đó những sản phẩm và dịch vụ liên kết mật thiết với nhau. Từ máy tính tới tivi thông minh, từ smartphone tới smartwatch, từ những thiết bị nhà thông minh tới xe thông minh. Trải nghiệm người dùng trên nhiều nền tảng thiết bị đã và đang ăn sâu vào văn hoá và đời sống của chúng ta hơn bao giờ hết. Theo IoT Analytics, sự phát triển của tổng các thiết bị điện tử kết nối được dự đoán sẽ lên tới 41,2 tỷ vào năm 2025.

trải nghiệm người dùng đa nền tảng trong thời đại số
Một hệ sinh thái đa thiết bị liên kết. Nguồn: Internet.

Hơn thế nữa, trải nghiệm người dùng đa nền tảng ngày càng đem lại nhiều ý nghĩa và sự thuận tiện, nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, tính cá nhân hoá và sự gia tăng về số lượng các thiết bị kết nối.

Hệ sinh thái đa nền tảng bao gồm những gì, và chúng mang lại cho khách hàng và doanh nghiệp những giá trị gì. Hãy cùng mình đi sâu tìm hiểu nhé!

Hệ sinh thái đa nền tảng giúp cho trải nghiệm người dùng trở nên liền mạch và tự nhiên hơn

Chúng ta giờ đây không còn bị bó buộc trải nghiệm của mình vào một thiết bị, một nền tảng đơn lẻ nữa. Thay vào đó, chúng ta có thể thoải mái sử dụng, chuyển đổi qua lại giữa các thiết bị điện tử của mình.

Ví dụ, bạn có thể đọc sách trên máy tính bằng ứng dụng Kindle, rồi chuyển sang nghe sách nói trên điện thoại bằng Audible, sau đó tiếp tục đọc bằng máy đọc sách Kindle.

Bạn có thể ghi lại số bước chân của mình nhờ Apple Watch và tiếp tục theo dõi tiến trình trên một chiếc iPhone hoặc iPad. Thậm chí, bạn có thể kiểm tra nguồn điện và nhiệt độ của chiếc ô tô của mình bằng một chiếc điện thoại thông minh!

Một hệ sinh thái đa thiết bị, hay còn gọi là Internet vạn vật (IoT), về cơ bản là một mạng lưới các thiết bị được kết nối Internet. Bất cứ thứ gì, từ một chiếc cảm biến đơn giản tới một chiếc smartphone, có thể hình thành nền một hệ thống liên kết Internet vạn vật.

Chúng ta đang sống trong thời đại Internet vạn vật, với những hệ sinh thái đa nền tảng. Nhờ đó, trải nghiệm người dùng của chúng ta trở nên linh hoạt hơn, liền mạch hơn và tiện lợi hơn.

Bên trong hệ sinh thái Apple

Apple có lẽ là một trong những hệ sinh thái điển hình trên thị trường công nghệ. Là một khách hàng lâu năm, mình đã mua khá nhiều sản phẩm và dịch vụ của Apple. iPhone, iPad, iMac, Macbook Pro… là mạng lưới những thiết bị liên kết giúp nâng cao hiệu suất làm việc của mình.

trải nghiệm người dùng trong hệ sinh thái Apple
Hệ sinh thái Apple mang tới một trải nghiệm người dùng liền mạch, tiện lợi. Nguồn: Internet.

Với hệ sinh thái Apple, mình có thể kết nối nhiều thiết bị khác nhau để đơn giản hoá những công việc phức tạp. Khi lái xe, mình có thể tìm đường, gọi điện thoại và nghe nhạc với Apple CarPlay. Các khoản thanh toán online hay tại cửa hàng thì được thực hiện trên Apple Pay. Bên cạnh đó, mình dùng iPhone để điều khiển hệ thống điều hoà tại nhà và chia sẻ ảnh và video với vợ mình thông qua Airdrop.

Mỗi lần mình mua một sản phẩm mới của Apple, mình luôn tự tin rằng nó sẽ dễ dàng liên kết với các thiết bị khác mình đang sử dụng. Tất cả những gì mình cần làm là đăng nhập tài khoản iCloud và… Thế là xong!

3 Nguyên tắc của một trải nghiệm đa nền tảng tốt

Nhắc tới trải nghiệm đa nền tảng, có rất nhiều khía cạnh cần đề cập. Trong đó, Michel Levin – một UX Designer cấp cao tại Google chỉ ra rằng, một trải nghiệm đa nền tảng sẽ tập trung vào 3 hướng tiếp cận cơ bản.

  • Tính nhất quán: đảm bảo các thiết bị đa nền tảng mang tới cho người dùng cùng một nội dung.
  • Tính liền mạch: giúp người dùng có thể chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác một cách dễ dàng.
  • Tính bổ sung: các thiết bị đa nền tảng có thể kết nối cùng lúc với nhau. Ví dụ, người dùng có thể kết nối Xbox với điện thoại hoặc máy tính bảng để chơi game.

3 nguyên tắc căn bản trên đã hình thành nên sự liên kết mật thiết giữa các thiết bị đa nền tảng, như cách mà Google, Apple và Samsung đã làm. Bên cạnh đó, những hướng tiếp cận này cũng là một gợi ý cho những nhà phát triển (Developer) hoặc thiết kế (Designer): Họ nên phát triển nội dung của mình trên nhiều nền tảng khác nhau.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Để dễ hình dung mức độ quan trọng của 3 nguyên tắc căn bản này trong việc tạo ra một sản phẩm hay một dịch vụ như thế nào, chúng ta hãy cùng nhìn nhận 3 trường hợp tiêu biểu dưới đây.

Tính nhất quán: Microsoft Teams

Microsoft Teams là một nền tảng giao tiếp cung cấp cho người dùng một không gian trò chuyện và họp mặt qua video, tương tự như Slack. Ứng dụng cung cấp cho người dùng các chức năng, công cụ và nội dung nhất quán trên tất cả các thiết bị. Điều này giúp cho người dùng có thể làm việc bất cứ đâu, trên bất cứ thiết bị nào.

Microsoft Teams mang tới một trải nghiệm nhất quán giữa các nền tảng.
Microsoft Teams mang tới một trải nghiệm nhất quán giữa các nền tảng. Ảnh: Internet.

Tính liền mạch: Netflix

Netflix là một dịch vụ xem video trực tuyến không còn xa lạ gì với người đọc. Ứng dụng giúp cho người dùng có thể đăng ký và xem phim trên nhiều thiết bị một cách thuận tiện hơn. Nếu bạn đang xem dở series Sex Education trên tivi, bạn có thể tiếp tục xem từ điểm dừng trên smartphone của mình khi bạn đi du lịch chẳng hạn.

Netflix giúp cho trải nghiệm xem phim không bị gián đoạn.
Netflix giúp cho trải nghiệm xem phim không bị gián đoạn. Ảnh: Internet.

Tính bổ sung: Nest

Bộ ổn nhiệt Nest là một thiết bị gia dụng thông minh. Nó có thể theo dõi lịch trình của người dùng, tự thiết lập và có khả năng kết nối với nhiều thiết bị qua Wifi.

Người dùng dễ dàng tương tác với bộ ổn nhiệt Nest thông qua điện thoại thông minh.
Người dùng dễ dàng tương tác với bộ ổn nhiệt Nest thông qua điện thoại thông minh. Ảnh: Internet.

Người dùng vẫn có thể bật tắt Nest bằng nút vật lý giống như các thiết bị ổn nhiệt thông thường. Hoặc người dùng có thể kết nối Nest với điện thoại, máy tính bảng hoặc trợ lý ảo để điều khiển từ xa. Khi đang ở một phòng khác hay thậm chí không ở nhà, người dùng vẫn có thể tương tác với Nest thông qua các thiết bị đã kết nối.

Trải nghiệm đa nền tảng và chiến lược đa kênh trong kinh doanh

Dù tình trạng COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng tỉ lệ các thiết bị liên kết vẫn không ngừng tăng lên. Điển hình là sự ra mắt và đưa vào sử dụng của thiết bị gia dụng thông minh Amazon Echo. Điều này giúp cho người dùng có thể tương tác với các sản phẩm và dịch vụ trên các nền tảng khác nhau ngày càng dễ dàng hơn.

Theo một khảo sát năm 2020, một người Mỹ trung bình có hơn 10 thiết bị liên kết. Trong đó, hơn 2 thiết bị là máy tính và hơn 2 thiết bị là điện thoại thông minh. Việc các công ty ngày càng tập trung vào phát triển các hệ sinh thái đa thiết bị đang dần trở thành một nền tảng cho chiến lược đa kênh. Các hãng dù nhỏ hay lớn đều có thể nhắm vào các phân khúc khách hàng bằng các sản phẩm đa nền tảng liên kết.

Bên cạnh đó, các hãng có thể thu thập thông tin từ các trải nghiệm của người dùng, phân tích và sử dụng chúng để phát triển tính các nhân hoá. Ví dụ, thuật toán của Amazon có thể gợi ý cho người dùng những sản phẩm tương tự với sản phẩm đang mua, mang đến một trải nghiệm mua sắm online tốt hơn.

Ảnh minh hoạ: tutorials.one

Để có thể cung cấp một trải nghiệm đa kênh tốt cho người dùng, các hãng cần phải đào sâu nghiên cứu cả về số lượng và chất lượng để hiểu được xu hướng phát triển giữa các thiết bị và nền tảng khác nhau. Hiểu rõ được động lực và thời gian sử dụng của người dùng sẽ giúp các hãng biết họ nên phát triển sản phẩm tập trung vào mảng nào.

Một ví dụ điển hình, ngay trong đại dịch COVID-19, siêu thị Sainsbury đã phát triển một loại hình mua sắm thông minh: Người dùng có thể sử dụng smartphone để quét mã sản phẩm để biết thông tin và giá cả của các mặt hàng. Khi sẵn sàng thanh toán, người dùng chỉ cần kết nối điện thoại với một điểm giao dịch gần đó, một trải nghiệm hết sức tiện lợi!

Tóm lại, chiến dịch phát triển đa kênh không phải là một điều mới. Tuy nhiên, các hãng cần xem xét sản phẩm của họ có thể đáp ứng mong đợi của người dùng ở những khía cạnh nào, người dùng có thể liên kết các sản phẩm của hãng ra sao. Bởi khi người dùng đã quen dùng một nhãn hàng, họ có xu hướng tiếp tục mua các sản phẩm trong hệ sinh thái của hãng.

Xem thêm: Game miễn phí thực ra thu được lợi nhuận rất lớn

Bài viết liên quan

Sức mạnh của “sự tốt hơn”

Tốt hơn chỉ 1% mỗi ngày có thể dẫn đến thành công lớn. Những nỗ lực nhỏ nhưng liên tục có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống.

Vượt qua cám dỗ dopamine

Tìm hiểu cách dopamine ảnh hưởng đến động lực, khen thưởng và cuộc sống. Đâu là những chiến lược hiệu quả để vượt qua cám dỗ dopamine.

Gen Alpha – Thế hệ mới, xu hướng mới

Gen Alpha được xem là một thế hệ tiềm năng trong tương lai. Vậy Gen Alpha là gì? Những vấn đề mà thế hệ này phải đối mặt là như thế nào,...

Khám phá Peach Fuzz, màu chủ đạo của PANTONE 2024

Peach Fuzz là màu chủ đạo do PANTONE lựa chọn năm 2024. Bài vết này sẽ giúp bạn khám phá và gợi mở ý tưởng về cách khai thác mã màu này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây