Não trái – Não phải là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất của chúng ta, dù đã qua nhiều năm vạch trần sai lầm này. Lầm tưởng này chỉ ra rằng, não trái là khu vực xử lý thông tin logic, lý trí, và từ đây có khái niệm “những người thuận não trái” – những người có suy nghĩ logic. Mặt khác, não phải là bán cầu não liên quan tới tính sáng tạo và xử lý cảm xúc, và tương tự, ta có khái niệm “những người thuận não phải”.
Về cơ bản, đây là một nhận định sai lầm. Tuy nhiên, chúng ta đúng là có hai bán cầu não, và đúng là có những khu vực thực hiện những chức năng cụ thể. Chúng ta sẽ cùng làm sáng tỏ nhận định này, trước hết bằng việc tìm hiểu về lịch sử ra đời thú vị của lầm tưởng này.
Sperry và những bệnh nhân tách đôi não
Ta biết tới vị trí bán cầu não chủ yếu là từ thành quả nghiên cứu của Sperry và một nghiên cứu sinh của ông là Gazzaniga về những bệnh nhân não tách đôi (não phải tách rời não trái) trong những năm 1960 và 1970. Điều này đã giúp cho Sperry nhận được giải Nobel vào năm 1981.
Các bệnh nhân não tách đôi đã được cắt thể chai (corpus callosum), cầu nối giữa các bán cầu não để điều trị chứng động kinh. Do đó, hai bán cầu não trong hộp sọ của họ không kết nối với nhau. Bề ngoài, những bệnh nhân này cư xử hoàn toàn bình thường – một điều đáng kinh ngạc – nhưng khi kiểm tra và nghiên cứu kỹ hơn, một số biểu hiện kỳ lạ đã xuất hiện:
- Từ ngữ được chiếu lên bán cầu não trái có thể được ghi nhớ và đọc thành lời, nhưng bán cầu não phải thì không.
- Tuy nhiên, khi từ ngữ được chiếu lên bán cầu não phải, dù chúng không thể được phát âm thành lời, nhưng có thể được viết ra bằng tay trái (tay trái được điều khiển bởi não phải).
- Khi chiếu từ lên bán cầu não phải, những người tham gia thí nghiệm có thể cầm nắm đồ vật tương ứng một cách chính xác, nhưng không thể đọc lên thành lời.
Do đó, Sperry thấy rằng não phải có khả năng nhận dạng ngôn ngữ nhưng không có sự phát âm, và hai bán cầu ở bệnh nhân tách não không thừa nhận sự tồn tại của bán cầu còn lại.
Tuy nhiên, ông đã cảnh báo rằng: “Sự quan sát biểu hiện của não phải – não trái trên những bệnh nhân tách não là một ý tưởng nói chung, nó rất dễ bị phóng đại và hiểu sai… Điều quan trọng ta cần nhớ là hai bán cầu trong một bộ não nguyên vẹn thường liên kết chặt chẽ với nhau như một đơn vị thống nhất.”
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn thấy không ít những nhận định sai lầm về chức năng của não phải – não trái, được đăng tải bởi một số trang báo nổi tiếng.
Lầm tưởng tiếp tục phát triển
Năm 1973, tạp chí The New York Times đã xuất bản một bài viết “We are left-brained or right-brained” (tạm dịch: “Ta thuận não phải hay não trái”). Trong đó, mở đầu có đoạn: “Trong đầu ta có hai người rất khác nhau, cư trú ở bán cầu não phải và bán cầu não, hai lớp vỏ bảo vệ thân não. Một trong hai liên quan tới lời nói, phân tích, lấn át. Một bên còn lại liên quan tới nghệ thuật…” Hai năm sau, Time Magazine đưa câu chuyện về Não phải – Não trái lên mục tin nổi bật. Vào năm 1976, Harvard Business Review đăng tải “Planning on the Left Side and Managing on the Right” (tạm dịch: “Lên kế hoạch bằng Não trái và Quản lý bằng Não phải”) và sau đó một năm, Psychology Today cũng công bố ý tưởng này. Giải Nobel năm 1981 về Sinh lý học/ Y học của Sperry đã châm ngòi cho những nhận định sai lầm.
Có rất nhiều nhận định sai lầm đi cùng với nhiều giả thuyết và thậm chí cả những bài kiểm tra tính cách về não phải – não trái. Lầm tưởng bắt nguồn từ thông tin bị đơn giản hoá quá mức. Bộ não của con người thực sự có hai bán cầu, và có những khu vực chuyên đảm nhiệm một loại chức năng nào đó. Tuy nhiên, chúng luôn vận hành cùng lúc với nhau. Ví dụ, ngôn ngữ thường được đảm nhiệm bởi bán cầu não trái, nhưng những quá trình nhận thức và hành vi phức tạp, cần tới nhiều tài nguyên từ nhiều vùng khác nhau như vùng Broca và vùng Wernicke ở não trái, nhưng cũng cần tới bán cầu não phải để xử lý âm điệu và ngữ điệu. Não trái có vẻ như được chuyên môn hoá về từ vựng và ngữ pháp hơn, trong khi não phải thiên về nhịp điệu và tính âm sắc của ngôn ngữ. Điều tương tự xảy ra với những quá trình xử lý các ngôn ngữ khác nhau với những ngôn ngữ thiên về âm điệu nhiều hơn, điển hình là tiếng Trung.
Vậy não phải và não trái thực sự có chức năng gì?
Vậy thì nếu chúng ta có hai bán cầu não, chúng thực sự đảm nhiệm những chức năng gì?
- Các nửa cơ thể: não trái điều khiển nửa bên phải, và não phải điều khiển nửa bên trái cơ thể.
- “Chiếc khiên và thanh kiếm”: bán cầu não điều khiển tay thuận sẽ đảm nhiệm hành vi tiếp cận và tấn công, tương tự như một thanh kiếm. Bán cầu não còn lại sẽ chịu trách nhiệm cho những chiến thuật phòng thủ và “né đòn” – còn được gọi là hành vi né tránh trong Tâm lý học. Điều này còn phụ thuộc và tay thuận của một người là tay trái hay tay phải mà bán cầu não tương ứng sẽ có chức năng khác nhau.
- Não trái phần lớn đảm nhiệm các chức năng về ngôn ngữ (như từ vựng và ngữ pháp).
- Sự bộc lộ và nhận thức cảm xúc chủ yếu được đảm nhiệm bởi não phải.
- Sự chú ý bên trong có vẻ được điều khiển bởi não trái, còn sự chú ý bên ngoài được đảm nhiệm bởi não phải.
- Sự tập trung đơn nhiệm thuộc về sự kiểm soát của não trái, não phải chịu trách nhiệm cho sự tập trung đa nhiệm.
Nếu bạn muốn tìm hiểm những khám phá và giải thích về bán cầu não xác đáng nhất, bạn có thể đọc cuốn “The Master and His Emissary” bởi Iain McGilchrist. Bằng sự hùng biện và thông tin khoa học chi tiết, ông chỉ ra vì sao ông cho rằng não phải là Chủ nhân và não trái là Sứ giả; vì sao trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta dần trở thành nô lệ của não trái. Trong cuốn sách, Iain McGilchrist cũng chỉ ra những chức năng của não phải và não trái, và đây là một số những chức năng tôi thấy là đáng chú ý nhất:
Não trái và Não phải:
- Cụ thể – Bao quát
- Duy trì – Phát triển
- Cố định – Di chuyển
- Đối tượng – Sống
- Cơ học – Hữu cơ
- …
Qua đây, ta có thể thấy rằng não trái sẽ thiên về thông tin cụ thể, ta có thể coi phần lớn chức năng của nó là khả năng nhận thức. Não phải thiên về thông tin tổng quát và trừu tượng hơn. McGilchrist cho rằng não trái có “kiến thức riêng lẻ”, còn não phải có “sự khôn ngoan tổng thể”.
Ngoài ra còn có một loạt các khía cạnh hấp dẫn và hấp dẫn của não trái và não phải. Não phải có thể đảm nhận các chức năng bị mất đi ở não trái, nhưng não trái dường như không thể tiếp nhận các chức năng bị mất ở não phải. Ví dụ, sau tổn thương ở vỏ não, ta biết bán cầu não phải có thể bù trừ tổn thương não cho bán cầu não trái, do đó ta ít khi mù mắt phải do tổn thương não. Tuy nhiên, não trái không thể đảm nhiệm chức năng bị mất của não phải nên mù mắt trái do tổn thương não phổ biến hơn rất nhiều. Điều này làm rõ hơn chức năng của não phải là bao quát, tổng thể, do đó có thể tái cấu trúc các chức năng khác, trong khi đó, não trái thì chuyên sâu và cụ thể hơn.
Thuận não trái hay não phải thì làm việc năng suất hơn?
Một ý niệm tiêu cực về não trái – não phải là, bên này tốt hơn bên kia, hoặc bạn thuận bên nào, hoặc cho rằng bạn không thay đổi được việc bạn thuận não nào. Tuy nhiên, trong nghiên cứu tính cách sử dụng Cơ cấu hành vi con người (Human Behavioural Framework) (một mô hình toàn diện, đầy đủ về nhân cách con người) cho thấy rằng những người có thành tích cao trong kinh doanh, khởi nghiệp và giảng dạy, cho thấy khả năng nhận thức và trực giác cao, đi ngược lại nguyên tắc não trái – não phải, đồng thời đi ngược lại nhiều phép đo tính cách khác đo lường trên thang điểm trượt.
Vì vậy, những bộ não có hiệu suất cao có vẻ không chỉ có khả năng nhận thức tốt hơn mà còn có cái nhìn bao quát hơn. Đây thật sự là cách cân bằng não bộ!
Các tài liệu tham khảo:
- Tổng quát:
Why the left brain right brain myth will probably never die: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/brain-myths/201206/why-the-left-brain-right-brain-myth-will-probably-never-die
Roger Sperry’s Split Brain Experiments (1959–1968): https://embryo.asu.edu/pages/roger-sperrys-split-brain-experiments-1959-1968
Divided Brain — Divided World, Iain McGilchrist: https://www.thersa.org/globalassets/pdfs/blogs/rsa-divided-brain-divided-world.pdf
The Master and his Emissary, Iain McGilchrist: https://www.amazon.com/Master-His-Emissary-Divided-Western/dp/0300188374
- Bài viết khoa học:
The split brain: A tale of two halves: https://www.nature.com/news/the-split-brain-a-tale-of-two-halves-1.10213
- Nghiên cứu khoa học:
Left Brain, Right Brain: Facts and Fantasies: http://journals.plos.org/plosbiology/article?id=10.1371/journal.pbio.1001767
Neuromyths in education: Prevalence and predictors of misconceptions among teachers: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2012.00429/full
Dispelling the Myth: Training in Education or Neuroscience Decreases but Does Not Eliminate Beliefs in Neuromyths: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2017.01314/full
Đọc thêm: Máy tính lượng tử hoạt động như thế nào? Chúng có ý nghĩa gì cho tương lai con người?