Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

Giả thuyết thế giới dễ tổn thương (Phần 1)

Chúng ta có thể ví sự sáng tạo của loài người như việc lấy bóng ra khỏi bình. Những quả bóng ở đây thể hiện ý tưởng, khám phá và phát minh của loài người. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đã lấy ra nhiều quả bóng. Hầu hết chúng đều mang lại lợi ích cho con người. Cũng có những quả bóng mang sắc thái xám: chúng vừa có lợi vừa có hại, và ta khó có thể ước lượng được tác động thực của chúng.

Có một thứ mà chúng ta vẫn chưa lấy ra. Đó là quả bóng đen, một loại công nghệ sẽ phá huỷ nền văn minh đã phát minh ra nó. Chúng ta chưa lấy nó ra, không phải là vì chúng ta cẩn thận hay khôn ngoan, mà vì chúng ta may mắn. Nhưng nếu có một quả bóng đen ở đâu đó trong chiếc bình thật thì sao? Nếu các nghiên cứu khoa học và công nghệ tiếp tục được triển khai, chúng ta rồi sẽ lấy nó ra, và chúng ta sẽ không thể cất nó lại vào trong bình. Chúng ta có thể phát minh, nhưng không thể hoàn lại phát minh đó. Điều chúng ta có thể làm là mong rằng sẽ không có quả bóng đen nào trong bình.

May mắn thay, công nghệ có tính huỷ diệt ghê gớm nhất của loài người cho tới nay – vũ khí hạt nhân, vẫn rất khó để làm chủ. Nhưng một cách để mường tượng xem quả bóng đen có thể gây ra những hậu quả như thế nào, là giả sử phản ứng hạt nhân có thể xảy ra dễ dàng hơn.

Năm 1933, nhà vật lý Leo Szilard tìm ra ý tưởng cho một chuỗi phản ứng hạt nhân. Những nghiên cứu sau đó đã cho thấy để tạo ra một vũ khí nguyên tử sẽ cần đến vài cân Plutonium và một lượng rất lớn Uranium, cả hai đều là nguyên tố hiếm và rất đắt đỏ. Tuy nhiên, ta thử tưởng tượng một lịch sử phi thực tế như thế này: Szilard nhận ra rằng một quả bom nguyên tử có thể được tạo ra từ những cách rất đơn giản – có thể thực hiện ngay trong một cái bồn tắm, dùng một mẩu thuỷ tinh, một vật kim loại và một viên pin.

Đánh bom thử nghiệm tại Nevada vào ngày 7 tháng 3 năm 1955. Nguồn: Lawrence Livermore National Laboratory.

Szilard sẽ đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu ông ta không nói với ai về phát hiện của mình, ông sẽ không thể ngăn cản các nhà khoa học khác đi vào một vết xe đổ. Nhưng nếu như ông ta công bố phát hiện của mình, ông ta sẽ lan truyền những kiến thức đầy nguy hiểm. Giả sử, Szilard tin vào một người bạn của mình, ví dụ Albert Einstein, nói cho ông ấy biết về điều mình vừa phát hiện ra. Sau đó, cả hai quyết định sẽ viết một bức thư cho tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Franklin D Roosevelt, để chính quyền cấm tất cả các nghiên cứu vật lý về hạt nhân. Sẽ có những suy đoán về việc tại sao lại cần có một biện pháp mạnh tay như vậy. Các nhóm nghiên cứu khoa học sẽ đặt ra nghi vấn và rồi sẽ có một vài nhóm tìm ra được bí mật đó. Sẽ có những công nhân ở văn phòng chính phủ thiếu cẩn thận hoặc trong lúc bực bội để lộ thông tin, và gián điệp sẽ truyền thông tin đi. Dù cho có một phép màu nào đó giúp cho thông tin mật này không bị rò rỉ ra ngoài, thì các nhà khoa học trên các nước khác rồi cũng sẽ tự khám phá ra điều đó.

Hay có lẽ chính quyền Mỹ sẽ loại bỏ thuỷ tinh, kim loại hay các nguồn điện trên toàn quốc gia (trừ một ít trong kho quân đội được bảo vệ nghiêm ngặt)? Những biện pháp cực đoan như thế chắc chắn sẽ vấp phải những trở ngại. Tuy nhiên, sau khi những “đám mây hình nấm” ở một số thành phố, đám đông có thể sẽ hiểu được lý do. Thuỷ tinh, pin và nam châm dù có thể bị tịch thu, và chúng cũng không được sản xuất nữa, nhưng những “tàn dư” của chúng vẫn còn đâu đó, và rồi chúng có thể ở trong tay của những kẻ theo tư tưởng đoạn diệt, những kẻ tống tiền hay những người đơn giản chỉ muốn xem thử điều gì sẽ xảy ra nếu như tạo ra một vụ nổ nguyên tử. Sau cùng, nhiều thành phố sẽ bị phá huỷ. Sự chiếm hữu những nguyên liệu bị cấm sẽ bị trừng phạt thích đáng. Cộng đồng có thể sẽ bị giám sát nghiêm ngặt. Chúng ta sẽ phải cố gắng khôi phục nền văn minh mà ở đó sẽ không có điện và những nguyên liệu thiết yếu bởi chúng bị coi là quá nguy hiểm.

Đó mới chỉ là viễn cảnh tích cực. Từ một góc nhìn tiêu cực hơn, luật lệ và trật tự sẽ bị phá huỷ hoàn toàn, và xã hội sẽ chia thành các bè phái chiến tranh nguyên tử. Cứ thế đến tận khi thế giới bị huỷ hoại tới mức mà nó không thể bị thiệt hại thêm nữa, thì sự sụp đổ mới dừng lại. Thậm chí sau đó, phát minh nguy hiểm vẫn được ghi nhớ và truyền lại cho đời sau. Nếu nền văn minh vực dậy được từ đống đổ nát, thì hiểu biết nguy hiểm đó chỉ cần chờ đến lúc được sử dụng lại – một khi con người lại bắt đầu sản xuất thuỷ tinh, nguồn điện và kim loại. Còn nếu như kiến thức đó bị lãng quên, thì rồi nó sẽ lại được phát hiện một lần nữa khi mà các nhà vật lý hạt nhân tiếp tục công cuộc nghiên cứu của mình.

Nói tóm lại, chúng ta thực ra đã lấy ra một quả bóng xám. Nhưng may mắn thay, việc tạo ra vũ khí hạt nhân có vẻ là một việc rất khó khăn.

Giả sử, “bình sáng tạo” chứa ít nhất một quả bóng đen. Chúng ta gọi đây là “thuyết thế giới tổn thương”. Đại khái là, sẽ có một mức độ công nghệ nào đó mà nền văn minh gần như chắc chắn sẽ bị huỷ diệt, trừ khi có các lực lượng ngăn chặn và/hoặc sự can thiệp của chính phủ toàn cầu. Mục đích chính của chúng ta không phải là tranh cãi xem giả thuyết này có đúng hay không. Chúng ta xem nó như một câu hỏi mở, dù có vẻ không hợp lý cho lắm. Với những bằng chứng hiện có, chúng ta khá tự tin khẳng định là nó sai. Thay vào đó, mấu chốt là giả thuyết này sẽ hữu ích trong việc giúp chúng ta xem xét về một tình thế chiến lược vĩ mô của loài người.

the gioi ton thuong
Ảnh minh hoạ. Nguồn: PopularMechanics.

Viễn cảnh chúng ta vừa đề cập phía trên thể hiện một tiềm năng của quả bóng đen, khi các cá nhân hay những nhóm nhỏ dễ dàng gây nên sự tàn phá trên diện rộng. Với sự đa dạng trong tính cách và hoàn cảnh của con người, trong một sơ suất nào đó, sẽ luôn có một số những người sẽ hành động, có thể bởi tư tưởng căm ghét, tính chất tiêu cực của thuyết hư vô, trả thù bởi vì nhận thấy thế giới không công bằng, hay đơn giản là bởi ảo tưởng. Sự tồn tại của phần nhỏ những người này đồng nghĩa rằng, bất kì công cụ nào đủ dễ dàng để phá huỷ trên diện rộng thì chắc chắn sẽ dẫn tới sự diệt vong của nền văn minh.

Đó là một trong vài trường hợp của những quả bóng đen. Một trường hợp khác sẽ là, một loại công nghệ có thể tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy những nhân tố gây nên tận diệt. Chúng ta có thể nhìn lại lịch sử của vũ khí hạt nhân. Sau sự sáng chế của bom nguyên tử, một cuộc chạy đua vũ khí đã xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô. Hai quốc gia này đã tích luỹ được một kho vũ khí khổng lồ. Tính đến năm 1986, hai nước đã có hơn 60,000 đầu nổ hạt nhân – nhiều hơn cả lượng cần thiết để phá huỷ nền văn minh của con người.

May mắn thay, Chiến Tranh Lạnh đã không gây ra chiến tranh nguyên tử, dù rằng đã có một vài động lực đã có thể thúc đẩy nó. Nhiều nhà khoa học chính trị tin rằng, một nhân tố quan trọng giải thích cho điều đó là bởi tình thế giữa những năm 1960, vì lo sợ khả năng kho vũ khí của cả hai quốc gia có thể vẫn “sống sót” sau cuộc ra tay trước của bên kia, và sau đó tiến hành một cuộc tấn công trả đũa đã làm giảm động cơ tấn công của hai bên.

Tuy nhiên, hãy xem xét một viễn cảnh phi thực tế – “ai ra tay trước thì người đó thắng” – trong đó, một số công nghệ có thể tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù trước khi họ kịp phản ứng, khiến họ không thể trả đũa. Nếu viễn cảnh như vậy tồn tại, sự sợ hãi lẫn nhau có thể dễ dàng gây ra một cuộc chiến tận diệt. Ngay cả khi không bên nào muốn tiêu diệt phe kia, nhưng một trong số họ có thể cảm thấy buộc phải tấn công trước để ngăn chặn nguy cơ mà sự sợ hãi của phe kia có thể khiến họ cũng thực hiện một cuộc tấn công trước như vậy. Giả sử, những vũ khí liên quan rất dễ cất giấu, viễn cảnh sẽ còn tồi tệ hơn. Điều đó sẽ khiến cho việc thiết kế một chương trình xác minh đáng tin cậy để cắt giảm vũ khí có thể giải quyết tình thế an ninh tiến thoái lưỡng nan là không khả thi.

the gioi thay doi khi hau toi te hon
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Getty Images.

Thay đổi khí hậu có thể minh hoạ một trường hợp thứ ba của quả bóng đen. Các nhà khoa học dự đoán rằng lượng khí thải từ hiệu ứng nhà kính có thể làm tăng nhiệt độ trung bình từ 3.0 đến 4.5 độ C vào năm 2100. Tuy nhiên, giả sử Trái Đất nhạy cảm hơn với thay đổi khí hậu, thì lượng khí thải đó sẽ còn làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên nhiều hơn, giả sử, tới 20 độ C. Tồi tệ hơn, giả sử nhiên liệu hoá thạch lúc đó có dư thừa, còn những phương án năng lượng sạch để thay thế thì quá đắt đỏ và thách thức về mặt công nghệ nhiều hơn thực tế. Không như viễn cảnh trước, khi mà có những người có động lực mạnh mẽ, hành động phá huỷ nhân loại, thì viễn cảnh này chẳng cần có nhân tố nào như vậy. Mọi thứ cần thiết chỉ là nhiều những yếu tố nhỏ – ví dụ như là những người dùng điện, lái xe… Mỗi người chỉ góp một phần nhỏ, và rồi tích luỹ lại, trở thành một vấn đề phá huỷ nhân loại. Hai viễn cảnh này đều có một điểm chung, đó là, có những động lực tồn tại, thúc đẩy nhiều nhân tố bình thường gây ra sự tận diệt của nền văn minh.

Xem thêm: Đánh giá ROG Phone 5: Đã đến lúc cần “định nghĩa” lại gaming phone!

Bài viết liên quan

Gen Alpha – Thế hệ mới, xu hướng mới

Gen Alpha được xem là một thế hệ tiềm năng trong tương lai. Vậy Gen Alpha là gì? Những vấn đề mà thế hệ này phải đối mặt là như thế nào,...

Khám phá Peach Fuzz, màu chủ đạo của PANTONE 2024

Peach Fuzz là màu chủ đạo do PANTONE lựa chọn năm 2024. Bài vết này sẽ giúp bạn khám phá và gợi mở ý tưởng về cách khai thác mã màu này.

Tại sao bạn không thể dừng mong muốn thay mới điện thoại?

Tại sao bạn không thể dừng mong muốn hay mới điện thoại, và liệu bạn có cần thiết sử dụng hơn hai chiếc thoại hay không?

Samsung S24 Ultra có khả năng dùng Snapdragon 8 Gen 3, cảm biến ảnh 200 MP

Samsung vừa đăng tải video giới thiệu các tính năng camera mới. Đây có vẻ là thông số của Galaxy S24 Ultra sắp được ra mắt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây